13 Luật Sống Dành Cho Hội Viên

Những luật này không hề gây khó khăn cho chúng ta, nhưng là giúp cho chúng ta trở nên trống rỗng. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trao phó tất cả cho Thánh Ý Ngài. Hãy hiến mạng sống mình, như lời Đức Giê-su đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì danh Thầy, thì sẽ giữ được nó.” – Mt 16, 25.

Tự hiến mình chính là sự biến đổi trong tâm hồn. Để trở thành một kẻ hành khất đích thật, thì người đó phải được làm cho nên trống rỗng – nghèo khó trong tinh thần. Qua sự trống rỗng của mình, chúng ta mới có thể xin Thiên Chúa ban đầy tràn những thứ cần thiết mà Ngài muốn cho chúng ta. Chỉ qua Đức Giê-su, nhờ Đức Giê-su, và cùng với Đức Giê-su, cuộc sống của chúng ta mới nên hoàn thiện.

  1. Đời sống thánh hiến: Các hội viên được khuyến khích luôn tìm sống đời sống thánh hiến; để chắc chắn luôn có Thiên Chúa ở trong tâm hồn người đó.

  2. Trách nhiệm: Tất cả hội viên Hội Hành Khất Đức Ki-tô là một gia đình trong Đức Ki-tô. Do đó, chúng ta hãy giúp nhau lớn lên trong Đức tin. Vì là những con người bất toàn, nên chúng ta cần sự khích lệ từ anh chị em. Đường nên thánh thì trông gai, hẹp và dốc đứng. Cùng với Chúa, chúng ta mạnh mẽ hơn khi quy tụ thành một hội, làm cho hành trình đạt tới Nước Trời của chúng ta cũng dễ dàng hơn là chúng ta làm một mình. “Ngày ngày hãy khích lệ nhau bao lâu còn là ngày hôm nay” – Híp-ri 3, 13.

  3. Xưng tội: Các hội viên đừng bao giờ sa vào tình trạng tội trọng và luôn cố gắng tránh tội nhẹ. Tội lỗi mở những cánh cửa ra cho sự dữ. Những tội nhỏ mọn, nếu như để mất kiểm soát hoặc không hay sám hối, thì có thể dẫn tới tội khác rồi tội khác nữa, rồi dần thành tội trọng. Đó chính là cách ma quỷ xảo trá có được chúng ta. Xưng tội thường xuyên không chỉ đưa chúng ta trở lại với tình trạng ân sủng, mà còn đưa chúng ta vào những cuộc kiểm điểm lương tâm. Thánh Inhaxiô Loyola đã coi sự kiểm điểm lương tâm là bước linh thao quan trọng nhất.

  4. Thánh lễ: Các hội viên tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa mỗi ngày nếu có thể, để giúp duy trì tình trạng ân sủng của mình. Như Thomas Kempis đã viết trong cuốn Theo Đức Ki-tô: “chúng ta tới dự bàn tiệc của Ngài như một kẻ ăn xin được mời dự bữa tối với nhà vua. Còn về phía chúng ta thì lại nhỏ bé, chẳng có gì để dâng cho Vị Vua trên các vua. Do đó, chúng ta phải khiêm hạ và chúc tụng Chúa không ngừng.” Khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa là chúng ta lãnh nhận toàn thể thần tính và nhân tính, xác và hồn, thịt và máu của Đức Ki-tô. Với lòng tôn kính hết sức, đừng để những tấm bánh Mình Thánh Chúa chạm vào tay của kẻ hành khất bất xứng như chúng ta hoặc để rơi xuống đất. Hãy rước Ngài trực tiếp bằng lưỡi và (nếu có thể) quỳ. Ngài là chính nguồn sức mạnh. Chúng ta hãy yêu mến Ngài với tất cả con tim, trí khôn, linh hồn, tinh thần và sức mạnh. Qua yêu Chúa, chúng ta mới có thể yêu tha nhân.

  5. Tôn thờ Thánh Thể: Đấng Cứu Độ chúng ta đang hiện diện đích thực trong Bí tích Thánh Thể. Ngài khiêm hạ biết bao khi Ngài khao khát ở lại với nhân loại. Chúng ta phải cầu xin Chúa Giê-su ngự trong Phép Thánh Thể truyền cho chúng ta tinh thần khiêm hạ của Ngài. Kẻ hành khất đích thật của Chúa Ki-tô phải có lòng khiêm hạ. Ơn cứu độ là nhờ lòng khiêm hạ, nếu không có lòng khiêm hạ thì chúng ta không thể đạt được hạnh phúc nước trời. Mỗi tuần chúng ta hãy dành nhiều giờ để chầu Chúa Giê-su Thánh Thể, đó là điều cần thiết đối với chúng ta. Nếu chúng ta không thể tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thể khi còn ở đời này, thì làm sao chúng ta có thể tôn thờ Ngài ở đời sau khi Ngài gọi chúng ta về với Ngài.

  6. Lời Chúa: Để yêu mến Chúa Giê-su thì phải biết việc làm và đời sống của Ngài. Chúa Giê-su đã mở đường sự sống cho chúng ta theo. Ngài chính là sự sống. Đó là điều quan trọng, nên chúng ta phải sắp xếp thời gian mỗi ngày để đọc Kinh Thánh, suy gẫm và sống Lời Chúa.

  7. Đọc kinh Lạy Cha: Kinh Lạy Cha là kinh chính yếu của hội viên Hành Khất Đức Ki-tô. Mỗi khi đọc kinh này, bàn tay của chúng ta giơ ngửa ra như một kẻ ăn xin. Chúng ta cầu xin Chúa Cha ban cho lương thực hằng ngày, tha thứ tội lỗi chúng ta, ban cho chúng ta ân sủng để biết tha thứ cho kẻ khác, và bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ (tội lỗi).

  8. Trái tim vẹn sạch Đức Maria: Các hội viên phải cố gắng gia tăng lòng sùng kính Đức Maria theo như mệnh lệnh của Mẹ tại Fatima, cũng như theo thánh Louis de Montfort với 33 ngày sùng kính thật sự dành cho Mẹ.

  9. Thánh Tâm Chúa Giê-su: Có lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giê-su vì đó là nơi suối nguồn tình yêu và lòng thương xót đã tuôn chảy ra cho thế giới. Nhờ những giọt Máu cuối cùng nơi Trái Tim Chúa Giê-su đã phát sinh các Bí tích trong Hội thánh. Người hành khất đích thật phải là người mang lấy Trái tim rất thánh của Chúa Giê-su nơi mình.

  10. Cầu nguyện và Ăn chay: Tại sao lại cần cầu nguyện và ăn chay? Bởi vì chính Chúa Giê-su đã làm điều đó. Ngài đã ăn chay 40 ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai. Trong khi chay tịnh, chúng ta sẽ phải đối đầu với nhiều cám dỗ. Việc từ chối những ước muốn xác thịt và thế gian để gia tăng sự thức tỉnh tâm hồn, sẽ giúp chúng ta được kết hiệp mật thiết hơn với Chúa qua kinh nguyện và lời cầu xin. Các hội viên Hành Khất Đức Ki-tô được khuyến khích ăn chay thường xuyên và kiêng thịt vào mỗi ngày thứ Tư và thứ Sáu.     
  11. Thanh tẩy nhà ở: Nơi ở của chúng ta trên trần gian này cần phải được làm phép và thanh tẩy các đồ đạc. Chúng ta nên đặt vào trong nhà mình những đồ đã được làm phép như là Thánh Giá (ở mỗi phòng), tượng ảnh Đức Mẹ, thánh Micae, hoặc các thánh khác và các thiên thần.

  12. Đồ Thánh: Đeo Thánh Giá Bênêđíctin và khoác Áo Choàng Nâu để bảo vệ trước mọi tà thần. Đây cũng là cách bày tỏ và làm chứng nhân cho Đức tin Công giáo. Luôn luôn mang theo tràng hạt Mân Côi. Đó là cách tuyệt vời để nhắc nhớ chúng ta đọc kinh Mân Côi mọi lúc, mọi nơi và mỗi khi có cơ hội.

  13. Linh Hướng: được khuyên nên, chứ không phải là bắt buộc mọi hội viên Hội Hành Khất Đức Ki-tô phải có cha giải tội riêng hoặc người đồng hành thiêng liêng.

Tất cả những yêu cầu và gợi ý trên là hoàn toàn tự nguyện tuân giữ và sẽ không phải là tội nếu không thể giữ được.